Các phương pháp tính giá thành trong doanh nghiệp

Để chọn được phương pháp tính giá thành phù hợp bạn cần phải tính đến các yếu tố sau:

Đầu tiên: đối tượng tính giá thành là gì?

Đối tượng tính giá thành là sản phẩm (thành phẩm) hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp hoặc cá nhân bán hoặc cung cấp cho khách hàng.

Ví dụ: thành phẩm có thể là điều hòa, loa, máy tính, ghế. Dịch vụ có thể là dịch vụ y tế, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ xây dựng…

 

Thứ hai: tại sao phải tính giá thành?

Việc tính giá thành nhằm mục đích xác định:

  • Chi phí sản xuất bỏ ra để có sản phẩm/ dịch vụ đem bán là bao nhiêu. Nếu so với việc mua sản phẩm/ dịch vụ có sẵn thì liệu tự sản xuất có giá rẻ hơn không?
  • Giá bán nên là bao nhiêu, lợi nhuận có như kỳ vọng hay không?
  • Sản phẩm nào đang có lợi nhuận tốt cần ưu tiên tập trung kinh doanh hơn? Sản phẩm đang bị lỗ thì có nên dừng kinh doanh, cắt giảm quy mô không?
  • Nếu chi tiết được kết cấu chi phí trong giá thành sẽ giúp ích cho việc phân tích nguyên nhân, cải thiện hiệu quả sản xuất. Chi phí giá thành thấp là lợi thế lớn trong việc cạnh tranh trên thị trường.

 

Thứ ba: tại sao phải chọn phương pháp tính giá thành?

Khi bạn xác định lý do phải tính giá thành rồi thì việc tiếp theo bạn sẽ phải chọn phương pháp tính giá thành phù hợp để có được số liệu chính xác cho việc phân tích và ra quyết định (sản phẩm/ dịch vụ nào lãi tốt, giá bán nên là bao nhiêu…).

Cách tính không phù hợp thì kết quả tính toán sai. Kết quả tính toán sai thì dẫn đến quyết định sai (ví dụ: sản phẩm thực tế là lỗ, nhưng tính toán lại là lãi và vẫn tiếp tục kinh doanh dẫn đến càng bán càng lỗ mà không biết => lỗ ăn dần mất vốn chủ).

Hiểu được bản chất của các phương pháp tính giá thành sẽ giúp bạn giải thích được những câu hỏi như: tại sao hiệu quả kinh doanh (lãi) đi xuống trong khi sản lượng hàng bán ra tăng, và sản phẩm nào là nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh kém đi.

 

Thứ tư: các chi phí nào được đưa vào để tính toán giá thành?

Các chi phí để tính toán giá thành là các chi phí tham gia vào quá trình để sản xuất sản phẩm/ thành phẩm, gồm:

  • Chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công và chi phí sản xuất chung
  • Với dịch vụ các chi phí này là các chi phí nhân công, vật tư giai đoạn cung cấp dịch vụ

Nguyên vật liệu trực tiếp bao gồm các vật tư, nguyên liệu, phụ liệu cấu thành vào thành phẩm. Ví dụ: trong sản xuất cà phê, chi phí hạt cà phê là chi phí nguyên vật liệu trực tiếp. Và đối với các đơn vị sản xuất bia thủ công, chi phí nguyên liệu trực tiếp của họ sẽ bao gồm men, hoa bia và nước được sử dụng.

Nhân công trực tiếp là tất cả những người lao động tham gia vào quá trình chuẩn bị, lắp ráp và sản xuất sản phẩm.

Chi phí sản xuất chung là tất cả các chi phí dùng chung liên quan đến quá trình sản xuất nhưng không phân tách được rõ ràng theo từng sản phẩm (vd: lương quản đốc, công cụ dụng cụ dùng chung, máy móc, nhà xưởng…)

 

Thứ năm: các chi phí nào không đưa vào để tính giá thành?

Là các chi phí của doanh nghiệp/ hộ kinh doanh nhưng không tham gia vào quá trình sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ.

Ví dụ: giá thành với một đơn vị sản xuất ô tô sẽ bao gồm chi phí nguyên vật liệu cho các bộ phận tạo nên ô tô cộng với chi phí lao động, sản xuất chung được sử dụng để lắp ráp ô tô. Chi phí gửi ô tô đến đại lý và chi phí lao động được sử dụng để bán ô tô, tiếp thị sẽ không nằm trong giá thành.

 

Thứ sáu: phương pháp giản đơn (trực tiếp)

Phương pháp này phù hợp với các doanh nghiệp có quy trình sản xuất đơn giản, mặt hàng ít chủng loại, khối lượng sản xuất nhiều, chu kỳ sản xuất ngắn. Ví dụ: các doanh nghiệp sản xuất cuộn giấy, băng dính, tăm…

Theo phương pháp này giá thành được tính bởi công thức sau:

Tổng giá thành sản phẩm

=

Chi phí sản xuất dở dang đầu kỳ

+

Chi phí sản xuất trong kỳ

Các khoản giảm chi phí sản xuất

Chi phí sản xuất dở dang cuối kỳ

Giá thành 1 đơn vị sản phẩm (thành phẩm) =  Tổng giá thành sản phẩm/ Tổng số lượng sản phẩm

Ưu điểm của phương pháp này là rất đơn giản, dễ dàng tính toán, tốn ít thời gian của kế toán và có thể cung cấp số liệu nhanh trong việc phân tích quản lý.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp có nhiều mặt hàng, kết cấu chi phí giá thành phức tạp thì phương pháp này độ chính xác không cao, ảnh hưởng đến quyết định kinh doanh.

 

Thứ bảy: phương pháp hệ số

Phương pháp này phù hợp với những doanh nghiệp mà sử dụng một loại nguyên liệu đầu vào nhưng thu được nhiều loại sản phẩm với kích thước, khối lượng, hình dáng…khác nhau.

Ví dụ: lĩnh vực may mặc, phân bón, hóa chất, cơ khí…

Chi phí được tập hợp theo nhóm sản phẩm hoặc dòng sản phẩm của toàn bộ quy trình sản xuất, đối tượng tính giá thành là từng sản phẩm trong quy trình sản xuất đó.

Nguyên tắc của phương pháp này là sẽ quy đổi tất cả các loại sản phẩm trong nhóm về 1 sản phẩm tiêu chuẩn để tính toán.

Theo phương pháp này giá thành được tính như sau:

  • Bước 1: cộng tổng chi phí sản xuất thực tế của nhóm sản phẩm.
  • Bước 2: số sản phẩm tiêu chuẩn từng loại = số sản phẩm thực tế từng loại x hệ số quy đổi từng loại
  • Bước 3: giá thành đơn vị sản phẩm tiêu chuẩn = tổng chi phí sản xuất của nhóm sản phẩm / tổng số sản phẩm tiêu chuẩn
  • Bước 4: giá thành sản xuất của từng loại sản phẩm = số sản phẩm tiêu chuẩn từng loại x giá thành đơn vị sản phẩm tiêu chuẩn

 

Thứ tám: phương pháp định mức

Phương pháp này phù hợp với các doanh nghiệp có kết cấu chi phí ổn định (ổn định về: quy trình sản xuất; định mức; tỷ lệ cấu thành của chi phí vật tư, nhân công, sản xuất chung ít thay đổi…giữa các loại sản phẩm)

Theo phương pháp này giá thành được tính như sau:

Giá thành sản xuất từng sản phẩm = Giá thành kế hoạch (hoặc định mức) đơn vị từng loại sản phẩm x Tỉ lệ chi phí (%)

Trong đó:

Tỉ lệ chi phí (%) = [Tổng giá thành sản xuất thực tế của các loại sản phẩm / Tổng giá thành sản xuất kế hoạch (hoặc định mức) của các loại sản phẩm] × 100

 

Thứ chín: phương pháp tính giá thành theo đơn đặt hàng

Phương pháp này phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất đơn chiếc hoặc sản xuất hàng loạt theo đơn đặt hàng (các đơn hàng có loại sản phẩm khác nhau; sử dụng định mức, vật tư…khác nhau).

Vì các đơn hàng có đặc thù khác nhau nên để đảm bảo sự chính xác thì kế toàn cần tính giá thành theo đơn đặt hàng.

Theo phương pháp này giá thành được tính như sau:

Giá thành sản xuất từng đơn hàng = Tổng chi phí của đơn hàng (gồm: vật tư trực tiếp, nhân công trực tiếp, sản xuất chung)

 

Thứ mười: phương pháp tính giá thành phân bước

Phương pháp này phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất có quy trình sản xuất qua nhiều xưởng, nhiều bộ phận sản xuất, nhiều công đoạn. Mỗi xưởng, mỗi bộ phận hoặc công đoạn tham gia vào 1 phần trong quá trình sản xuất.

Để tính được giá thành thì chi phí sẽ được tập hợp chi tiết theo từng xưởng, từng bộ phận hoặc công đoạn.

Do việc tập hợp, phân tách chi phí theo xưởng, bộ phận, công đoạn nên cho phép doanh nghiệp có thể tính giá thành theo bán thành phẩm và tính giá vốn nếu bán thành phẩm được bán.

Ngoài ra, việc tách chi phí theo xưởng, bộ phận, công đoạn cũng đáp ứng được nhu cầu tính giá thành chi tiết trong nội bộ doanh nghiệp và đo lường, kiểm soát chi phí nội bộ theo xưởng, bộ phận, công đoạn.

Theo phương pháp này giá thành được tính như sau:

Giá thành thành phẩm hoàn thành trong kỳ = Giá thành sản phẩm xưởng, bộ phận hoặc công đoạn 1 + Giá thành sản phẩm xưởng, bộ phận hoặc công đoạn 2 +…+ Giá thành sản phẩm xưởng, bộ phận hoặc công đoạn n

 

Thứ mười một: phương pháp tính giá thành theo chi phí tiêu chuẩn

Phương pháp này được sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp cần ước tính nhanh chi phí giá thành của sản phẩm dựa trên kinh nghiệm lịch sử của doanh nghiệp (ví dụ: ước tính nhanh giá thành để xác định giá báo giá nhanh).

Chi phí tiêu chuẩn sử dụng chi phí định trước cho vật liệu và lao động (cả trực tiếp và gián tiếp) từ dữ liệu giá thành quá khứ của doanh nghiệp để làm căn cứ ước tính nhanh giá thành hiện tại. Định kỳ số liệu này sẽ được cập nhật để có số liệu giá thành chính xác hơn.

Ưu điểm của phương pháp này là tương đối dễ tính toán nên ít tốn thời gian nhất.

Nhược điểm của chi phí tiêu chuẩn là nó có thể không chính xác nếu hoàn cảnh, nguồn lực, kết cấu chi phí thay đổi đáng kể kể từ thời điểm doanh nghiệp thiết lập các chi phí tiêu chuẩn.

 

Bài viết hữu ích:

Các gợi ý để doanh nghiệp giảm chi phí giá thành

Kế toán quản trị: một số phương pháp hay để phân bổ chi phí gián tiếp vào giá thành có thể bạn chưa biết

 

 

Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 05 2295 9908